Sản xuất Dòng_máu_anh_hùng

Phát triển

Johnny Trí Nguyễn bằt đầu viết kịch bản cho Dòng máu anh hùng vào tháng 2–tháng 3 năm 2005, lúc đến Thái Lan thực hiện bộ phim võ thuật Tom-Yum-Goong (2005).[4] Đây là một dự định ấp ủ của anh sau lần về Việt Nam vào năm 2000, lấy chủ đề từ những ngoại cảnh ở các vùng miền trên đất nước[6] và "muốn làm một cuốn phim có liên quan đến lịch sử nước nhà mình".[10] Có ba người tham gia khâu sáng tác—kịch bản của Johnny Trí Nguyễn được chuyển đến một người khác để chỉnh sửa, rồi sau cùng đến tay của anh trai Charlie Nguyễn,[4] người lúc đó đang theo học về biên kịch và đạo diễn.[10]

Theo Charlie Nguyễn, kịch bản phim lấy cảm hứng từ nhiều câu chuyện về ông nội của anh—một chiến sĩ cách mạng đồng thời là một võ sĩ[11]—lúc tham gia chống Pháp, "để lại ấn tượng sâu sắc" cho anh và người em Johnny Trí Nguyễn lúc còn bé.[10][12] Khi lớn lên, hai anh em cùng học nhiều môn võ khác nhau và tận dụng những bài học tiếp thu trong thời gian làm phim.[10] Charlie Nguyễn sử dụng bối cảnh của phim để kể về cộng đồng người gốc Việt tại Mỹ, "lớp này chỉ nói tiếng Mỹ, có lối sống và ứng xử như Mỹ. Chúng tôi, những đứa trẻ sang Mỹ khi lớn thì chưa đủ lớn nhưng cũng không phải còn quá nhỏ. Chúng tôi đã luôn cảm thấy bị lạc lõng."[11] Theo đó, nhân vật chính "luôn cảm thấy dằn vặt khi cầm súng bắn vào đồng bào mình" và nhân vật nữ tù binh là chiếc "cầu nối để nhân vật Cường trở về với dân tộc [...] để tôi trở về với quê hương, cội nguồn của mình."[11]

Để chuẩn bị cho bối cảnh, Charlie Nguyễn đã tham khảo những cuốn sách về các anh hùng dân tộc thời kỳ chống Pháp như Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh để "cảm nhận được tinh thần bất khuất, lòng yêu nước của những bậc tiền bối ngày xưa."[11] Vì lớn lên ở Mỹ, Johnny Trí Nguyễn phải mất nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử và bối cảnh diễn ra câu chuyện, cùng với chiều sâu tính cách các nhân vật anh hùng thời đó.[12] Trong bộ phim này, đạo diễn mong muốn "thể hiện một phim Việt Nam của người Việt Nam, và khai thác kho tàng võ thuật Việt Nam lâu nay hầu như chưa được khai thác trên màn ảnh rộng quốc tế."[10]

Tuyển vai

Vận động viên wushu Nguyễn Thúy Hiền từng được đoàn làm phim chọn vào vai Võ Thanh Thúy.[6][13]

Hai diễn viên nam chính, Johnny Trí Nguyễn và Dustin Nguyễn, đều có căn bản về võ thuật.[10] Là người lập nghiệp ở ngành đóng thế tại Hollywood, Johnny Trí Nguyễn "không xa lạ" và "không bị trái ngược với lối suy nghĩ" của nhân vật Lê Văn Cường vì xuất thân là một người Mỹ gốc Việt, mang nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Tây Phương.[4] Vai diễn mật thám Sỹ trong Dòng máu anh hùng giúp Dustin Nguyễn trở về quê nhà lần đầu tiên từ khi sang Mỹ năm 1975.[14] Anh mô tả đây là "một vai phản diện thú vị" và thừa nhận mình gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ khi nhập vai, "Dù khi ở Mỹ mình vẫn nói chuyện với gia đình, với ba mẹ bằng tiếng Việt nhưng ngôn ngữ của mình khi tham gia Dòng máu anh hùng còn rất yếu, rất hạn chế."[15] Ca sĩ hải ngoại Nguyễn Thắng[16] và giám đốc điều hành Nguyễn Chánh Tín cũng tham gia bộ phim.[17]

Ban đầu, vai Võ Thanh Thúy dự định giao cho vận động viên Nguyễn Thúy Hiền,[6] người đã gặp gỡ và gây ấn tượng với Johnny Trí Nguyễn trong một cuộc thi wushu quốc tế; dù vậy, cô không thể tham gia vì mới sinh con.[13] Nguyễn Chánh Tín giới thiệu diễn viên Ngô Thanh Vân làm người thay thế cho vai diễn này, sau khi tiếp xúc với cô trong nhiều chương trình ca nhạc, gọi cô là người "rất dễ thương, cầu tiến".[13] Lúc này, cô vừa trải qua 6 tháng tham gia phim hành động Rough tại Singapore và "hi vọng sẽ được tham gia các tác phẩm điện ảnh thể loại này ở Việt Nam."[17] Cô là người cuối cùng đến thử vai và gây ấn tượng với Charlie Nguyễn.[6] Cô nhận vai vào tháng 11 năm 2005.[18]

Dù khâm phục các nhân vật nữ trong phim,[17] Ngô Thanh Vân chia sẻ bản thân phải hòa nhập vào nhân vật một cách khó khăn: "Em với cô gái trong phim là hai người sống cách nhau gần cả trăm năm. Cái suy nghĩ, tư tưởng và hành động khác rất là xa."[4] Đạo diễn Charlie Nguyễn giúp đỡ cô bằng cách cung cấp nhiều hình ảnh nghĩa quân bị đàn áp thời Pháp thuộc[4] và dành nhiều thời gian để phân tích tâm lý nhân vật.[6] Để hỗ trợ vai diễn, cô cùng 11 diễn viên cascadeur[18] phải luyện tập võ trong 2 tháng (tháng 11–12 năm 2005), dưới sự chỉ đạo của Johnny Trí Nguyễn.[6][19] Trong thời gian này, cô phải tập 6 tiếng mỗi ngày và tập đá đến 400–500 cái.[6] Ngoài Ngô Thanh Vân, đoàn còn có một diễn viên đóng thế chỉ định cho nhân vật Thúy. Sau khi tập luyện, cô bất ngờ tự mình thực hiện được hết các chiêu thức, còn người đóng thế xin nghỉ vì quá sức.[10][18]

Ghi hình

Dù thực hiện nhiều môn võ thuật, bộ phim vẫn lấy Vovinam (ảnh) làm chủ đạo nhờ xuất thân quen thuộc của bộ môn này.[20]

Quá trình ghi hình của Dòng máu anh hùng kéo dài trong 4 tháng, bắt đầu từ ngày 11 tháng 1[lower-alpha 2] đến đầu tháng 5 năm 2006.[4] Toàn bộ cuốn phim được quay ở Việt Nam, tại các địa điểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Lạng SơnThái Nguyên.[22] Sau một tháng quay ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hội An, đoàn làm phim chuyển đến ngôi làng cách đường quốc lộ 3 km tại huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.[6] Đây là bộ phim nhựa đầu tiên mà Jimmy Nghiêm Phạm giữ vai trò giám đốc sản xuất.[23] Thành phần đoàn làm phim bao gồm một ê-kíp đã làm việc với anh hơn 10 năm ở Mỹ,[24] với 95% là người trong nước đảm nhận.[10] Kịch bản phim được chỉnh sửa nhiều lần trong thời gian quay.[4][25]

Phim xuất hiện nhiều môn võ thuật như Vovinam,[13] Taekwondo, Wushu[21] và một số chiêu thức do các võ sư Việt Nam sáng tạo thời chống Pháp, chưa từng được khai thác qua ống kính điện ảnh.[26] Theo Johnny Trí Nguyễn, người tham gia vai trò đạo diễn võ thuật và tổ chức sản xuất,[6] phim bỏ đi một vài pha biểu diễn võ thuật đẹp mắt vì "không thuần Việt", đồng thời sử dụng Liên Phong Quyền—một môn phái võ thuật do ông nội anh lập nên.[12] Anh khẳng định phim lấy môn Vovinam làm chủ đạo, vì "lực lượng cascadeur trong phim rất nhiều người xuất thân từ môn võ này"[20] và bản thân rút ra nhiều kinh nghiệm trong những năm tham gia điện ảnh để "chọn ra những góc máy, cách quay và dựng cảnh của các pha hành động sao cho đạt hiệu quả cao nhất".[20]

Để hỗ trợ cho những cú máy trên cao, một chiếc cần cẩu dài 11 mét được sử dụng trên phim trường dưới sự giám sát của giám đốc sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm.[27] Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên cung cấp khoảng 300 bộ trang phục cho bộ phim, bao gồm chiếc áo dài tím của Ngô Thanh Vân. Cô phải trao đổi kỹ với đạo diễn về bối cảnh phim trước khi bắt tay vào việc, vì khoảng năm 1920 "là thời điểm thay đổi nhiều về trang phục."[28] Stephane Gauger là người hỗ trợ Dominic Pereira trong cương vị quay phim chính kiêm giám đốc hình ảnh.[29] Tại Thái Nguyên, đoàn phim sử dụng chiếc đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước với những toa tàu mục nát; do không thể phục hồi, đoàn tàu phải nhờ một đầu máy khác đẩy từ phía sau.[30]

Trong lúc ghi hình, Ngô Thanh Vân cùng dàn cascadeur hàng ngày phải tập các đòn thế để khi diễn không quên bài.[20] Ở Lạng Sơn, cô bị rạn xương chân do một chiếc máy quay phim rơi trúng,[31] buộc phải bó bột 2 tuần lễ và đi lại bằng nạng.[18] Cô gọi đây "là tai nạn lớn nhất của tôi từ nhỏ đến giờ" và tâm lý "rất nặng nề".[18] Lúc ghi hình trận đánh cao trào của phim, đạo diễn quyết định không quay Ngô Thanh Vân toàn thân mà chỉ quay cận cảnh, còn trận đánh được dời lại để vết thương của cô lành hẳn rồi quay tiếp.[18] Nhiều cảnh đòi hỏi cô phải nhảy từ độ cao 4 mét, như từ ban công này qua một lô cốt khác trong nhà tù, khiến cô ngất xỉu sau một lần thực hiện.[18] Khi được hỏi về cảm giác lúc đóng những cảnh nguy hiểm, cô chia sẻ "Bản thân tôi cũng có máu liều mà. Không hiểu sao lúc đó, tôi không nghĩ gì đến sự nguy hiểm, không nghĩ tới bản thân, thân xác mình."[18]

Một cảnh quay khác, khi Ngô Thanh Vân bắn bằng một khẩu súng dài với đạn là thuốc pháo, cô tưởng mắt mình "đã có vấn đề" khi thuốc văng xác pháo vào mắt. Sau khi rửa mắt xong, cô mới biết mình không sao.[18] Dustin Nguyễn đề nghị người thực hiện cháy nổ cho bắn thử trong một cảnh bắn nhau, dù người này khẳng định mọi chuyện đã an toàn. Sau khi bắn, phát súng làm gãy cả một cành cây. Anh kể lại, "Nếu không kiểm tra trước, tôi cứ bắn vào bạn diễn, thế nào cũng có tai nạn rồi."[32] Một diễn viên đóng vai phụ tên là Lê Quang bị khẩu súng phụt lửa ngược vào mắt phải lúc quay ở Lạng Sơn vào tháng 3.[33] Sau nhiều lần đến khám tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán anh bị khuyết tật khúc xạ mắt bẩm sinh, với thị lực là 2/10.[34] Nghi ngờ kết quả khám mắt và phía hãng phim, Lê Quang tiến hành các thủ tục để khởi kiện;[34] vụ việc được giải quyết bằng con đường thương thuyết.[35]

Kinh phí

Ban đầu, tổng kinh phí dự trù của Dòng máu anh hùng là 800.000 đô-la Mỹ,[22][lower-alpha 3] nhưng sau khi thực hiện, con số lên tới 1,5–1,6 triệu đô-la Mỹ,[lower-alpha 1] số tiền đầu tư lớn nhất của thị trường phim trong nước, tính đến thời điểm trên.[1] Đây được cho là con số tối thiểu cho những bối cảnh cổ, các phương tiện đi lại, vũ khí xưa và phục trang trong phim.[26] Họa sĩ Lã Quý Tùng, nhà thiết kế của phim, cho rằng nếu đầu tư bối cảnh cho đúng thời gian, thì kinh phí phim hiện tại "vẫn [...] chẳng làm gì được".[37] Jimmy Nghiêm Phạm khẳng định "làm phim hành động ở Việt Nam thì rẻ hơn nhiều, ít tốn kém hơn nhiều so với nước ngoài"; kinh phí mà họ ước tính để thực hiện bộ phim này tại Mỹ có thể lên đến 15–20 triệu đô-la Mỹ.[24]

Nguyễn Chánh Tín, người lúc này là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Nam, đã đứng ra bảo lãnh vay mượn ngân hàng số tiền là 8,3 tỉ đồng để thực hiện bộ phim.[38] Theo Thể thao & Văn hóa, số vốn mà ông góp vào chỉ chiếm khoảng 1/20 tổng kinh phí, gần như không mang tính quyết định cho sự thành bại của bộ phim.[39]

Sản xuất hậu kỳ

Không giống với những bộ phim của Việt Nam lúc bấy giờ, quá trình dựng phim của Dòng máu anh hùng thực hiện song song khi quay hình—những cuộn phim vừa quay xong được đưa sang Thái Lan để chuyển qua băng video, sau đó gửi về lại Việt Nam.[22][27] Etan Thành, người chịu trách nhiệm cắt dựng của phim, chia sẻ "Nếu tôi thấy những đoạn, cảnh phim nào chưa chuẩn về kỹ thuật hoặc chưa mạch lạc về ý tưởng nội dung, tôi báo cho Trực biết để điều chỉnh ngay. Khi bộ phim đóng máy quay, lúc đó dựng phim cũng đã đi được khoảng hai phần ba rồi."[27] Sau khi hoàn thành dựng nháp, những bản video này mới được chọn để xuất hiện chính thức trên bản phim nhựa gốc.[27] Giai đoạn chỉnh sửa mẫu còn kéo dài đến trước buổi công chiếu ở Việt Nam một ngày.[24] Toàn bộ phần hậu kỳ của bộ phim được thực hiện ở Mỹ, thay vì làm từng phần như các phim Việt khác, với mục đích đạt chất lượng âm thanh theo chuẩn quốc tế. Công ty Arri của Đức thực hiện việc chỉnh màu, âm thanh do công ty Monkeyland Audio đảm nhiệm.[26]

Nhạc phim của Dòng máu anh hùng do Christopher Wong đảm nhận.[40] Với một bộ phim lấy bối cảnh tại Việt Nam nhưng "ảnh hưởng rất nhiều từ cách làm phim của phương Tây", anh sử dụng dàn nhạc cùng nhiều nhạc cụ Việt Nam như đàn tranh, sênh tiền, trống cơm, nhằm mang "một cảm thức rất phương Tây."[41] So sánh với những tác phẩm khác của mình, Wong mô tả âm nhạc của phim "gần với sở trường của mình hơn, và do đó ý tưởng cho các bộ phim này đến với tôi cũng có phần dễ dàng hơn."[41]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dòng_máu_anh_hùng http://www.bbc.com/vietnamese/culturesport/story/2... http://www.bbc.com/vietnamese/lg/culture/2009/04/0... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/03/1403... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2007/0... http://variety.com/2007/film/reviews/the-rebel-2-1... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TheRebelPre...